Chi tiết tin tức - Huyện Cồn Cỏ

BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG 65 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

22/02/2024 324 0

I. SỰ RA ĐỜI CỦA LỰC LƯỢNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Mỹ là nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, đồng thời là thành viên của Hội nghị Giơnevơ nhưng lại trắng trợn tuyên bố: “Mỹ không bị nội dung Hiệp định này ràng buộc”; từ đó, Mỹ ráo riết hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương để thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân mới; sử dụng bọn tay sai phản động trong nước nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, cưỡng ép đồng bào công giáo ở phía Bắc di cư vào Nam; cài cắm gián điệp, biệt kích ra miền Bắc; thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và trên thế giới, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ: “Mỹ không những là kẻ thù của Nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính, kẻ thù trực tiếp của Nhân dân Việt - Miên - Lào”; đồng thời chủ trương tập trung chống Mỹ cứu nước. Do đó, ngay sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa:
- Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an, thành lập theo Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, bố trí thành các đồn biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới.
- Cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an được thành lập theo Nghị định số 982/TTg ngày 28/7/1956 của Chính phủ, làm nhiệm vụ bảo vệ các trại giam, tham gia tiễu phỉ, trừ gian.
- Cùng với hai lực lượng trên còn có các đơn vị Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ (gọi là Bộ đội Bảo vệ), gồm: Trung đoàn Tây Bắc bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào, Đại đoàn 350 (Sư đoàn 350) làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng ở miền Bắc và Tiểu đoàn 25 (sau này là Tiểu đoàn 41) làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần có một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi. Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác Biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 03/3/1959 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) nêu rõ “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành 01 lực lượng vũ trang chuyên trách công tác Biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CANDVT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.
Tại buổi Lễ thành lập lực lượng vào ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và huấn thị cán bộ, chiến sĩ CANDVT: “Đoàn kết, cảnh giác. Liêm chính, kiệm cần. Hoàn thành nhiệm vụ. Khắc phục khó khăn. Dũng cảm trước địch. Vì nước quên thân. Trung thành với Đảng. Tận  tụy với dân”.
Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, Biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 03 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT) do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn CANDVT và đơn vị cơ động. Từ đó, ngày 03/3/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT và BĐBP ngày nay.
Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vinh dự tự hào, thường xuyên được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngày 02/3/1962, tại Đại hội chiến sĩ thi đua CANDVT toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã đến dự, biểu dương thành tích và tặng cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng bài thơ: “Non xanh nước biếc trùng trùng. Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao. Núi cao sự nghiệp càng cao. Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu. Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP liên tục có sự phát triển về biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước, được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ. Trong đó, có 04 nghị quyết đánh dấu sự ra đời, thay đổi tổ chức của BĐBP gồm: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, đánh dấu sự ra đời lực lực CANDVT, nay là BĐBP; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khoá IV) “Về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng CANDVT sang Bộ Quốc phòng thành lực lượng BĐBP”; Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn TTATXH trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ “Chuyển giao lực lượng BĐBP cho Bộ Nội vụ (Bộ Công an hiện nay) trực tiếp quản lý”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) “Về xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, nghị quyết xác định chuyển lực lượng BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và 01 nghị quyết bảo vệ biên giới quốc gia, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) “Về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”.
II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
1. Xây dựng phòng tuyến Nhân dân, tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa (1959 - 1965)
Ngay từ khi mới thành lập, tuy trang bị còn rất thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt... nhưng mọi cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, vận động Nhân dân định canh, định cư, dựng làng, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội. Tiêu biểu trên lĩnh vực xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới giai đoạn này có Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ, thuộc Đồn 5, CANDVT tỉnh Lai Châu cũ (nay là BĐBP tỉnh Điện Biên) đã nêu cao tấm gương “Trung với Đảng, tận tụy với dân” hết lòng vì hạnh phúc của Nhân dân. Anh đã sống mãi với đồng bào các dân tộc biên giới nói chung và đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Điện Biên nói riêng. Tiêu biểu trên mặt trận tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến là CANDVT các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, các đồn CANDVT: Cửa Tùng, Cù Bai (Quảng Trị), Keng Đu (Nghệ An), Quang Chiểu, Pù Nhi (Thanh Hóa), Pha Long (Lào Cai), đại đội 1 cơ động (Hà Giang), đại đội 1 cơ động (Cao Bằng), Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 12, Đoàn Thanh Xuyên)... Tiêu biểu trên lĩnh vực bảo vệ Đảng, Nhà nước và nội địa là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Trung đoàn 254 và Anh hùng LLVTND Trần Văn Nhỏ (Trung đoàn 600)… Các tập thể, cá nhân anh hùng thời kỳ này mãi ngời sáng tấm gương hy sinh, tận tụy với dân, “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
2. Bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, vừa tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc và chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam (1965 - 1975)
Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ - Ngụy giải phóng dân tộc, các đơn vị CANDVT tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa: Thực hiện lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị CANDVT thường xuyên bám trụ ở những điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ... nhưng mọi cán bộ, chiến sĩ luôn kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chiến đấu bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu quan trọng ở nội địa và chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam. Nhiều đồng chí đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua bom đạn cứu dân, cứu tài sản Nhà nước; tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới và các mục tiêu nội địa, góp phần bảo vệ an toàn tuyến hành lang vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển). Từ năm 1965 đến 1975, toàn lực lượng trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ và chi viện trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho An ninh vũ trang miền Nam. Ngoài ra, các đơn vị CANDVT Miền Bắc còn cử nhiều đội công tác đặc biệt sang giúp bạn Lào xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia quân đội, ủng hộ cách mạng Lào và tổ chức tuyên truyền đặc biệt, tấn công chính trị, chiến đấu vũ trang phá nhiều cụm phỉ ở mặt trận K5 (đối diện tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) và các tỉnh của Lào đối diện 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị...
Trên chiến trường miền Nam, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã bám dân, bám đất, diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng. Sau phong trào đồng khởi Bến Tre năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang; tháng 7 năm 1960, Trung ương Cục Miền Nam ra Chỉ thị số 01 thành lập “Ban An ninh miền” trong đó nói rõ thành lập bộ phận “An ninh vũ trang”, lúc đầu là Đại đội 180, sau này phát triển thành Trung đoàn 180, làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Cục ở chiến khu Đ, đến tháng 10/1960 chuyển về chiến khu C ở Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Lực lượng an ninh vũ trang miền Nam được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét, biệt kích, thám báo để bảo vệ các khu căn cứ và Trung ương Cục (cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng miền Nam). Về tổ chức, ở cấp khu biên chế tiểu đoàn, ở cấp tỉnh biên chế đại đội an ninh vũ trang. Mặc dù phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan, ác liệt, với chiến thuật kìm kẹp “tìm diệt” vô cùng hiểm độc và tàn bạo của Mỹ - Ngụy nhưng lực lượng An ninh vũ trang miền Nam luôn phát huy truyền thống sắt son, kiên trung với Đảng, với cách mạng, kiên trì, bền bỉ, bám đất, bám dân, trụ vững giữa lòng địch, xây dựng cơ sở, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù, tiến hành công tác binh địch vận, phá vỡ nhiều tổ chức tình báo, mật vụ cài cắm ở các thôn ấp, hỗ trợ đắc lực cho các cuộc nổi dậy của quần chúng phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; táo bạo “xuất quỷ nhập thần” giữa sào huyệt địch, mưu trí tiến công phá hủy nhiều căn cứ quân sự, mục tiêu quan trọng của Mỹ, Ngụy và tiêu diệt bọn ác ôn, đầu sỏ, thám báo, biệt kích bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương Cục, các Khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy ở miền Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được sự chi viện của CANDVT miền Bắc, lực lượng An ninh vũ trang miền Nam đã phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu bắt sống, tiêu diệt nhiều tên gián điệp, ác ôn nằm vùng khét tiếng, tiêu hao sinh lực địch và tham gia dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
3. Quản lý, bảo vệ biên giới trên phạm vi toàn quốc, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia (1975 - 1986)
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất nhưng bọn phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”; lôi kéo người Việt Nam vượt biên, vượt biển di cư ra nước ngoài; sử dụng tàn quân FULRO, tổ chức lực lượng phản động xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng cơ sở ngầm hòng chống đối chính quyền, chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương…
Trước tình hình đó, toàn lực lượng đã tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm biên giới, vận động Nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên chiều dài hơn 8.000km biên giới, bờ biển, thuộc địa bàn của 1.083 xã, phường, thị trấn; 233 quận, huyện, thị xã, 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển, thuộc 7 quân khu (Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 9); khẩn trương cùng các đơn vị của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân FULRO, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam; trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1975 - 1978), biên giới phía Bắc (1979) và chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển đảo, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng “giúp bạn là tự giúp mình”, BĐBP đã triển khai 9 trung đoàn (e2, e4, e6, e8, e10, e11, e14, e20, e180) phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang và Nhân dân Campuchia đấu tranh chống Khơme đỏ, đánh đổ chế độ diệt chủng ở Campuchia, giúp bạn bảo vệ chủ quyền biên giới trên các tuyến và cử nhiều đội công tác giúp Nhân dân Lào đấu tranh chống phỉ và bọn phản động, góp phần giành lại độc lập, chủ quyền, củng cố hòa bình đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp trong lòng Nhân dân Lào và Nhân dân Campuchia anh em.
4. Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác biên phòng, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới (1986 đến nay)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế nhưng các thế lực thù địch thường xuyên ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Do đó, đặt ra những yêu cầu mới cho công tác biên phòng: Vừa phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nhân dân. Vì vậy, nhiệm vụ công tác biên phòng thời kỳ này đặt ra rất toàn diện và nặng nề, bao gồm: Bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống của Nhân dân, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở biên giới; tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các ngành, các lực lượng và vận động quần chúng Nhân dân xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Trước tình hình đó, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tích cực nghiên cứu, đổi mới toàn diện các biện pháp công tác Biên phòng, bao gồm: Đổi mới tư duy lý luận về công tác biên phòng; đổi mới chủ trương, đối sách đấu tranh với các loại đối tượng; đổi mới về bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện và đổi mới hình thức, biện pháp phối hợp với các ngành, các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới... Trong đó xác định biện pháp trinh sát là mũi nhọn, biện pháp vận động quần chúng là cơ bản, biện pháp tuần tra vũ trang, biện pháp kiểm soát hành chính, công trình kỹ thuật là quan trọng và nâng tầm công tác đối ngoại biên phòng thành một biện pháp công tác nghiệp vụ của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Trong bố trí sử dụng lực lượng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng điều chỉnh vị trí đóng quân của các đồn biên phòng theo hướng gần biên giới, có địa hình phòng thủ tốt nhưng phải gần dân, nắm được địa bàn, phục vụ tốt công tác giao lưu, đối ngoại và thuận tiện cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nên nhìn chung các đồn biên phòng sau khi được đầu tư xây dựng mới đã trở thành điểm sáng về văn hóa, là điểm tựa của khu vực phòng thủ và là cơ quan đại diện của quốc gia ở khu vực biên giới, được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các địa phương và các ngành, các cấp đánh giá cao.
Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam; ngày 25/11/2020, Chủ tịch nước có Lệnh số 11/2020/L-CTN công bố Luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; đây là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, đã thể chế đầy đủ quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như:“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”.
Kế thừa có hiệu quả thực tiễn quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), hiện nay Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định cụ thể 03 hình thức quản lý, bảo vệ BGQG gồm: Thường xuyên; tăng cường; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, tình trạng chiến tranh và 07 biện pháp quản lý, bảo vệ BGQG gồm: Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang. Đây là vấn đề mới, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, sự phát triển vượt bậc về tư duy của Đảng và Nhà nước ta đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia và công tác Biên phòng. Việc luật hóa các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ BGQG nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để BĐBP thực thi có hiệu quả nhiệm vụ biên phòng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Kết hợp chặt chẽ an ninh, quốc phòng và đối ngoại, lấy xây dựng nền biên phòng toàn dân làm nền tảng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới, giúp đỡ Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lụt... coi đây vừa là biện pháp, vừa là mục tiêu của công tác vận động quần chúng.
Trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và các địa phương hoàn thành tốt công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tổ chức bảo vệ biên giới theo các văn bản pháp lý về biên giới và cửa khẩu mà nước ta đã ký kết với hai nước; đồng thời đang tích cực phối hợp với Ủy ban biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao và các tỉnh biên giới hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền với Vương quốc Campuchia:
- Tuyến Biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc năm 2008 với đường biên giới dài 1.449,566km, cắm tổng số 1.970 cột mốc. Ngày 18/11/2009, Chính phủ hai nước ký 03 văn kiện về biên giới đất liền, gồm: Nghị định thư Phân giới, cắm mốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
- Tuyến Biên giới đất liền Việt Nam - Lào đã hoàn thành Dự án Tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới biên giới Việt Nam - Lào năm 2016 với đường biên giới đất liền dài 2.337,459km bao gồm 792 vị trí/834 cột mốc, 113 vị trí/168 cọc dấu. Ngày 16/3/2016, Chính phủ hai nước ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
- Tuyến Biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, đường biên giới dài khoảng 1.257,781km, trong đó đã phân giới cắm mốc 1.044,985km, tính đến nay đã cắm được 2.047 cột mốc, cọc dấu (315 mốc chính, 1.511 mốc phụ và 221 cọc dấu).
Trên các tuyến biên giới, hiện nay có 242 cửa khẩu, lối mở qua lại biên giới đất liền và cảng biển. Trong đó, tuyến biên giới đất liền có 25 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 68 cửa khẩu phụ, 88 lối mở qua lại biên giới; tuyến biển, đảo có 37 cửa khẩu cảng, 282 cảng, cầu cảng, bến neo đậu, khu vực chuyển tải, 14 cảng dầu khí ngoài khơi, đặc biệt có cảng quân sự Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), cảng Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng) thuận lợi cho việc đón tiếp tàu quân sự của các nước.
Các đơn vị BĐBP tuyến biên giới biển đã phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng có liên quan quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh, trật tự khu vực biên giới biển; trực tiếp quản lý bảo vệ vùng biển từ điểm 01 đến điểm 09 đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc và phối hợp với Hải quân, Cảnh sát biển và các đơn vị có liên quan quản lý, bảo vệ trên biển từ điểm 9 đến điểm 21 trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; phối hợp với lực lượng chấp pháp Campuchia và các đơn vị có liên quan tuần tra, kiểm soát trong vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia; thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới, vùng biển từ đường biên giới quốc gia trên biển trở vào được xác định theo các điểm cơ sở từ A1 - A11.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, các đơn vị BĐBP đã tiến hành thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, tuyến hoạt động của tội phạm, chuyên đề nghiệp vụ; sưu tập địa bàn ngoại biên, xây dựng lực lượng mật; từ năm 2008 đến tháng 8/2023 các đơn vị BĐBP đã xác lập và đấu tranh thành công hàng ngàn chuyên án... Phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý 160.920 vụ/322.811 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật (trong đó, tội phạm về ma túy 14.513 vụ/19.292 đối tượng; buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 29.820 vụ/29.185 đối tượng; mua bán người 1.509 vụ/1.645 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 1.824 nạn nhân; tội phạm hình sự và các vi phạm pháp luật khác 114.357 vụ/271.375 đối tượng. Tang vật thu giữ trên 10,8 tấn ma túy các loại; 527.020 tấn than; 51.300 tấn quặng; 57.840.000 lít xăng, dầu; 10.180.022 bao thuốc lá; 2.05 tấn lá thuốc lá; 1.006.7 tấn đường; 2.306.49m3 gỗ; 53.13kg vàng, 1.760 viên kim cương và nhiều tang vật khác...
Các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhất là trong đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở khu vực biên giới, không để phức tạp kéo dài trở thành điểm nóng… phục vụ tốt chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất; từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ, BĐBP đã làm tốt công tác vận động quần chúng góp phần đem đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, biển, đảo gắn công tác tuyên truyền, vận động với triển khai các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở. Triển khai nhiều mô hình, chương trình, phong trào tiêu biểu với cách làm sáng tạo trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn biên giới như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; Thầy giáo quân hàm xanh, Thầy thuốc quân hàm xanh; Chiến sĩ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh; Cán bộ biên phòng tăng cường xã; Đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản; Điểm sáng văn hóa vùng biên; Lớp học tình thương; Mái ấm cho người nghèo và chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo; Nghĩa tình đồng đội nơi biên giới; Bò giống cho người nghèo nơi biên giới; Xuân biên phòng ấm lòng dân bản; BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới và tham gia xóa đói, giảm nghèo khu vực biên giới; Bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương; Hãy làm sạch biển; Cán bộ biên phòng học tiếng dân tộc, ngôn ngữ nước láng giềng; Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; Trồng cây chủ quyền biên giới; Tay kéo Biên phòng; Cụm phát thanh vùng biên; Thư viện, tủ sách, phòng đọc biên giới…
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đề ra các chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ biên giới một cách cơ bản, toàn diện. Ban hành Chỉ thị số 34/CT-BTL ngày 24/6/2003 về Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới; tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Từ đầu tháng 02/2020 đến cuối năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan sang các nước, trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; điều động, tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, có thời điểm duy trì gần 2.000 tổ, chốt với trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng chức năng, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển, cửa khẩu, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, bắt giữ, bàn giao đưa đi cách ly hàng ngàn người, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan qua biên giới; đã có hàng trăm đồng chí gác lại việc riêng của bản thân, gia đình để tham gia chống dịch trên biên giới.
Hằng năm, nước ta luôn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai, bão lũ, sạt lở đất khốc liệt. Các đơn vị BĐBP đã điều động hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và phương tiện, hàng trăm lượt chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp Nhân dân và làm nghĩa vụ quốc tế khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Trên tuyến biên giới đất liền, các đơn vị thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc, phát hiện và xử lý kịp thời hàng trăm vụ vi phạm về chủ quyền lãnh thổ. Trên tuyến biển, các hải đoàn, hải đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý nhiều vụ tàu thuyền vi phạm pháp luật, giữ vững chủ quyền cùng các nguồn lợi quốc gia trên biển. Trong công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, BĐBP đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện hiệu quả thủ tục Biên phòng theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tập trung đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, thực hiện số hóa, tự động hóa trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh; rút ngắn thời gian làm thủ tục, thúc đẩy lưu thông biên giới, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
 Đồng thời, trực tiếp phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân trên phạm vi cả nước với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực; tổ chức được nhiều phong trào quần chúng tiêu biểu trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới như: Quần chúng Nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc biên giới và giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới; Tổ Phụ lão, Tổ Phụ nữ quản lý thôn, bản biên giới; Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên; Thôn xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm ma túy; Tổ tàu, thuyền bến bãi an toàn, văn hóa; Già làng, trưởng bản gương mẫu; Họ đạo gương mẫu; kết nghĩa hai bên biên giới; du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững; phủ xanh đất trống đồi trọc; công trình thủy lợi ruộng lúa nước; trồng ngô hai vụ xen canh rau đậu, mô hình vườn ao, chuồng, ruộng (VACR); trồng chanh leo, mắc ca…
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã một lòng, một dạ vì dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, nêu cao phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân trong chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân; tích cực tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục có hiệu quả những thiệt hại về thiên tai, ổn định đời sống Nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng luôn in đậm trong lòng Nhân dân cả nước; luôn được Nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình như con em ruột thịt, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp BĐBP hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ được xác định là nhiệm vụ then chốt để xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong BĐBP đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị về công tác xây dựng Đảng. Kịp thời ban hành nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của BĐBP; tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng; chấp hành nghiêm các nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy chế, quy định và chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Uỷ ban kiểm tra các cấp ngày càng nền nếp, chất lượng được nâng lên; việc thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm minh, đúng đối tượng và quy định. Chú trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên; đại bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên trong BĐBP đã phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; kết quả xếp loại hằng năm có từ 95 - 98% tổ chức đảng, đảng viên đạt tiêu chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay768
  • Tổng lượt truy cập4.077.508