Chi tiết tin tức - Huyện Cồn Cỏ

Chi viện của Vĩnh Linh cho đảo Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

12/06/2024 1230 0

Đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng trong an ninh, quốc phòng, là cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ, có điểm A11 là đường cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải, là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1954 - 1975. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đảo Cồn Cỏ là đảo thép, đảo tiền tiêu của miền Bắc XHCN, là tiền đồn của khu vực Vĩnh Linh. 

Một hòn đảo nhỏ diện tích tự nhiên chỉ 230 ha; nhưng phải đương đầu suốt 1.500 ngày đêm, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, với hàng trăm đợt máy bay và tàu chiến kẻ thù ném bom, bắn phá, hòng chiếm giữ đảo. Với sự góp sức của cả nước, đặc khu Vĩnh Linh mà trực tiếp là quân dân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch... đảo Cồn Cỏ được mệnh danh là “Chiến hạm không bao giờ chìm”. Lực lượng vũ trang trên đảo đã chung lưng đấu cật, kiên cường chiến đấu giữ đảo “một tấc không đi, một li không rời” và đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. 

Ngày 07/02/1965, không quân Mỹ chính thức mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc; với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng Vĩnh Linh và Cồn Cỏ đã trở thành mục tiêu hủy diệt của chúng. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1965, Mỹ huy động hàng chục lần máy bay đánh phá Cồn Cỏ, tàu chiến tiến sát bắn phá đảo.
Thời kỳ 1959 - 1964, vận chuyển lương thực, đạn dược, nước ngọt cho đảo Cồn Cỏ chủ yếu là tàu hải quân, phối hợp vận chuyển hàng hóa và tăng bo hàng từ tàu lên đảo. Từ giữa tháng 03/1965, chiến sự trên đảo và vùng biển Cồn Cỏ ngày càng ác liệt, việc vận chuyển, tiếp tế ra đảo gặp vô vàn khó khăn. Tình hình rất nguy cấp, lương thực cạn kiệt, đạn tính từng viên, đặc biệt khó khăn là nước ngọt. Nhu cầu bổ sung người, vũ khí, thuốc men, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, công sự chiến đấu, vận chuyển thương binh, tử sĩ từ đảo vào đất liền ngày càng lớn, Khu ủy Vĩnh Linh ra chỉ thị kêu gọi trong toàn khu vực: bất luận hoàn cảnh nào và dù phải hy sinh xương máu đến đâu cũng phải chi viện cho Cồn Cỏ. Với các khẩu hiệu hành động “Tất cả vì đảo nhỏ thân yêu”, “Còn đất liền còn đảo”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy khu vực, một phong trào thi đua sẵn sàng chi viện, tiếp tế cho đảo được phát động mạnh mẽ. Hàng trăm lá đơn tình nguyện xin tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, nhiều lá đơn được viết bằng máu của bà con nhân dân các xã ven biển: Vĩnh Quang, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang gửi lên Khu ủy Vĩnh Linh xin được tham gia làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Toàn khu vực Vĩnh Linh dấy lên phong trào sâu rộng bằng những việc làm thiết thực “Ngày Cồn Cỏ”, “Làng Cồn Cỏ”, “Việc làm Cồn Cỏ”... Nơi nào cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt nhất nơi đó được đặt tên là Cồn Cỏ.
Từ năm 1964 – 1966, Mỹ đánh phá hủy diệt đảo Cồn Cỏ. Nhu cầu chi viện cho đảo ngày càng lớn, quân và dân Vĩnh Linh không ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm mở “Con đường máu” tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ với tinh thần “Còn một người dân Vĩnh Linh còn đi tiếp tế cho Cồn Cỏ”.

Để tránh kẻ thù, quân và dân Vĩnh Linh sử dụng thuyền nan, thuyền ván chèo tay để dễ luồn lách, cơ động tiếp tế cho đảo. Một bộ phận hỏa lực của pháo binh, phòng không được điều ra sát bờ biển, hiệp đồng chặt chẽ với hỏa lực trên đảo và thông tin từ các đài quan sát để tổ chức tác chiến vượt biển; đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống khi không tránh được địch thì quyết tử với chúng. Vì thế, mỗi chuyến thuyền chở lương thực, vũ khí, đạn dược chi viện cho đảo được trang bị vũ khí cá nhân để chiến đấu; các thuyền hộ tống với trang bị hỏa lực mạnh như súng cối, ĐKZ, B40, B41, CKC, lựu đạn.
Đêm ngày 15/04/1965, bốn thuyền xuất bến, hai thuyền của thôn Tùng Luật (xã Vĩnh Giang) do anh Trần Văn Quyện và anh Nguyễn Suyển làm thuyền trưởng, cách đất liền khoảng 10km thì bất ngờ gặp tàu địch bắn vây bốn phía. Một khu trục hạm xông thẳng vào đoàn thuyền, đạn các cỡ trên tàu địch bắn như mưa. Với lực lượng không cân sức các anh chỉ biết lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự, sau nửa giờ chiến đấu, thuyền của anh Trần Văn Quyện bị đánh chìm. 04 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh gồm Trần Văn Quyện, Nguyễn Văn Tại, Phạm Văn Dinh, Lê Nuôi. Đây là 4 liệt sỹ đầu tiên của thôn Tùng Luật hy sinh trên tuyến đường chiến đấu phục vụ đảo Cồn Cỏ.
Những ngày cuối tháng 05/1965, tàu chiến, máy bay địch liên tục vây ráp Cồn Cỏ. Trong thời gian ngắn có 9 chiến sỹ tiếp tế đảo hy sinh và mất tích. Khu ủy Vĩnh Linh có cuộc họp với các Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch bốn xã vùng biển, động viên thanh niên tiếp tục lên đường tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Hàng trăm lá đơn, trong đó có những lá đơn của các cụ 60 - 70 tuổi, những đoàn viên, thanh niên mới 16 - 17 tuổi đã gửi đơn lên Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã xin được đi tiếp tế cho đảo.

Nhiều tấm gương dũng cảm như Anh Nguyễn Nghi (Vĩnh Quang) mới 16 tuổi đã xung phong làm thuyền trưởng, 13 lần vượt biển ra với đảo trong đó có đến 8 lần gặp tàu địch, nhưng vẫn khôn khéo đưa thuyền chở hàng ra đảo an toàn. Đoàn viên Phan Văn Đoái (Vĩnh Quang), lên đường phục vụ đảo, biết mình sẽ hy sinh, anh viết đơn bằng máu gửi Đảng ủy Vĩnh Quang hứa “Tôi sẽ nguyện vì đảo chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”.
Thời gian từ 1966 – 1972, phong trào xung phong đi phục vụ đảo lại được phát động trong toàn dân, lực lượng dân quân và đoàn thanh niên. Cụ Nguyễn Văn Trí - xã Vĩnh Thái dẫn con trai lên gặp Đảng ủy xin cho hai cha con cùng lên đường phục vụ đảo. Cụ Trí được chọn đi chuyến đầu tiên vì đơn vị cần một tay lèo lái giỏi. Cụ đi ba chuyến, hai chuyến gặp địch nhưng vẫn trót lọt. Một số đoàn viên thanh niên khác như đồng chí Trọng, đồng chí Chư, đồng chí Phước viết đơn bằng máu gửi Đảng ủy xã Vĩnh Thái xin lên đường phục vụ đảo.
Tư tưởng trong đảng viên, quần chúng, thanh niên, lực lượng dân quân ổn định, sẵn sàng tiếp tục vượt biển nhưng đường ra đảo vẫn bị tàu chiến, máy bay Mỹ vây chặt. Nhiều lượt thuyền vận tải đạn dược, hàng hóa lên đường nhưng bị tàu chiến Mỹ chặn lại, phải quay về. Bộ đội trên đảo đã sử dụng đến lượng dự trữ cuối cùng.
Trước yêu cầu tiếp tế cấp bách của đảo Cồn Cỏ, khu vực Vĩnh Linh sẵn sàng đối mặt với hiễm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh tính mạng để tiếp tế cho đảo. Trước mỗi chuyến đi tiếp tế ra đảo, mọi thành viên trong đoàn đều được làm lễ truy điệu sống. Có những chuyến đi trở về lại được với đất liền, nhưng cũng có những chuyến đi họ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. 
Đêm 08/10/1966 là lần thứ 30 đồng chí Lê Văn Ban lên thuyền làm nhiệm vụ tiếp tế ra đảo. Đồng chí Lê Văn Ban cho thuyền hướng ra đảo thì được đất liền thông báo có tàu địch và ra lệnh “Chuẩn bị chiến đấu”. Các chiến sỹ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Tàu địch phát hiện ra thuyền của ta. Địch bắn pháo sáng chỉ cách thuyền vài chục mét và cho tàu tăng tốc, khoảng cách giữa tàu địch và thuyền của ta bị thu hẹp. Hai tàu địch lao đến, kẹp thuyền đồng chí Lê Văn Ban vào giữa, ý đồ bắt gọn cả thuyền lẫn hàng. Sóng do tàu chiến tạo ra, dồn tới làm thuyền chồng chềnh gần như lật úp. Nắm chắc tay lái, thuyền trưởng Lê Văn Ban ra lệnh “Bắn”, tàu địch bốc cháy, vừa chạy vừa bắn đạn xối xả. Thuyền bị ta thủng nhiều chỗ, các chiến sỹ nhanh chóng dùng vải nhét lại ngăn nước tràn vào, tiếp tục hành trình ra đảo.

Cuộc chiến đấu của đồng chí Lê Văn Ban là một trong những tấm gương sáng ngời trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã làm nên một “Cồn Cỏ Anh hùng”. Từ các bác, các cô dân công tiếp tế cho đảo đến những người chiến đấu trực diện với kẻ thù đều ẩn chứa một trái tim nồng nàn, khát khao lý tưởng: “cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù”.
Góp phần cho những chuyến vượt đảo thành công, có đóng góp không nhỏ của Đại đội 13 pháo binh thuộc Trung đoàn 270 Vĩnh Linh. Từ tháng 02/1965 đến tháng 10/1968, Đại hội 13 bảo vệ bờ biển Vĩnh Linh đã đánh hơn 50 trận; chi viện cho đoàn thuyền tiếp đảo và đã cùng dân quân Vĩnh Linh bắn chìm và cháy 69 tàu chiến, riêng đơn vị bắn cháy và chìm 15 tàu.
Thời kỳ 1964 - 1968, xã Vĩnh Kim là hậu cứ Đại đội 22. Ở vị trí có nhiều điểm cao, bố trí các trận địa pháo 130, 100, 37 sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những chuyến vượt đảo. Với hàng chục kho hàng hóa, lương thực, vũ khí, các lán trại của bộ đội, con số có khi lên tới 400 - 500 người. Xã Vĩnh Kim đã góp 1.857 công, bốc dỡ 463 tấn hàng hóa, 57 hầm chữ A và xây dựng hàng chục trận địa khác.

Với quyết tâm giữ đảo đến cùng, từ năm 1965 - 1972, bằng những chiếc thuyền ván, thuyền nan, chèo tay, chạy buồm xã Vĩnh Quang đã huy động 720 lượt thuyền, vận tải 2.308 chuyến, 10.850 ngày công, chở hàng hóa đạn dược cho Cồn Cỏ. Xã Vĩnh Thái huy động 110 lượt thuyền, vận tải 2.100 chuyến, hơn 10.000 ngày công cho tiếp tế đảo. Xã Vĩnh Giang 4.800 công vận chuyển. Xã Vĩnh Thạch 3.530 công vận chuyển .
Người Vĩnh Linh lo cho Cồn Cỏ; cán bộ chiến sĩ trên đảo thì lại thấp thỏm lo cho sự hủy diệt trên đất Vĩnh Linh… Nhất là khi Mỹ sử máy bay B52 rải thảm xuống vùng đất Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn… Ngay sau loạt bom B52 đầu tiên, Khu ủy Vĩnh Linh đã nhận  điện từ Cồn Cỏ: Xin cho biết tình hình B52 đánh phá, chúng tôi hứa sẽ đánh mạnh, tiêu diệt địch để trả thù cho đồng bào đất liền... Tiếp sau đó Đảo trưởng Trần Văn Thà đã gửi thư nhờ thuyền đưa về hỏi thăm Bộ Chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh. Bức thư có đoạn: Hôm đó nhìn vào đất liền chỉ thấy một vùng khói đen kịt giống như mặt trời bị nhật thực. Cả Đảo khóc. Tôi tưởng trong ấy đã bị bom xóa sạch rồi.
Chiến công của quân và dân Vĩnh Linh, quân và dân bốn xã vùng biển đã góp phần bảo vệ mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam. Đại đội 22 vận tải cho đảo Cồn Cỏ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sự chi viện kịp thời của khu vực Vĩnh Linh là nhân tố quan trọng giúp đảo Cồn Cỏ luôn đứng vững trước sự tấn công của Mỹ - ngụy, lập nên nhưng chiến công xuất sắc. Đảo Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 6 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng Anh hùng LLVT và nhiều huân, huy chương cho các tập thể và cá nhân đảo Cồn Cỏ. Đặc biệt, đảo Cồn Cỏ được Bác Hồ 3 lần gửi thư khen, gửi ảnh chân dung có chữ ký của Người và tặng 2 câu thơ:

"Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Huê kỳ".

Năm tháng trôi qua, nhưng những chiến công vang dội trong thời kỳ chống Mỹ của cán bộ và chiến sĩ đảo Cồn Cỏ và quân dân các xã vùng biển Vĩnh Linh vẫn không phai mờ trong trang sử đấu tranh cách mạng của lực lượng vũ trang Quảng Trị nói chung và đảo Cồn Cỏ nói riêng, là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, mãi mãi là niềm tự hào cổ vũ to lớn đối với lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau khi hòa bình lập lại, Cồn Cỏ lúc này trực thuộc địa giới huyện Bến Hải, từ 1990 đảo Cồn Cỏ trực thuộc sự quản lý về hành chính của xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh. Với sự giúp đở, động viên của nhân dân cả nước và cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Linh, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đảo Cồn Cỏ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biển, đảo xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chiến đấu và sản xuất, tăng gia cải thiện đời sống. Sau khi được dân sự hóa, Cồn Cỏ trở thành một thực thể hành chính cấp huyện mang tính đặc thù từng bước được củng cố và hoạt động có hiệu quả, thực hiện chức năng Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý điều hành, nhân dân làm chủ, lực lượng vũ trang là nồng cốt trên tất cả các lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển KT – XH và bảo đảm quốc phòng an ninh nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 của Tỉnh ủy; đảm bảo ổn định để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay651
  • Tổng lượt truy cập4.034.409