Lịch sử hình thành - Huyện Cồn Cỏ

Cồn Cỏ, hòn ngọc giữa biển đông

20/01/2016 1 0
Cồn Cỏ là một hải đảo có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng. Được hình thành bởi hoạt động kiến tạo của núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò điệp, cát... nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định (không tháng nào xuống dưới 210C) cho phép mùa tắm kéo dài. Cồn Cỏ nằm trong khu vực có hệ sịnh thái, tài nguyên khá phong phú và đa dạng của ngư trường con Hổ (rộng khoảng 9.000 km2) gần nơi giao thoa của các dòng hải lưu, nơi hội tụ của các vùng hải sản Bắc - Nam, Vịnh Bắc Bộ - Biển đông. Với đặc trưng đa dạng của hệ sinh thái, vùng biển quanh đảo có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú. Theo kết quả nghiên cứu và thông tin về số liệu tài nguyên, nguồn lợi sinh vật biển ở Cồn Cỏ, vùng biển Cồn Cỏ hiện có 267 loài cá của 120 giống thuộc 69 họ, khu hệ cá vùng biển Cồn Cỏ có sự phân tầng theo thích nghi với điều kiện sinh thái trong đó tầng nổi chiếm khoảng 12,3 %; tầng giữa chiếm khoảng 36,3 %; tầng đáy chiếm khoảng 22,4 % tổng số loài. + Cá nổi gồm có: Cá thu, ngừ, trích, chuồn, mực, chim... đây là các loại cá chiếm sản lượng hàng năm tương đối cao trong sản lượng khai thác hàng năm của ngành thuỷ sản; các loại nhuyễn thể - giáp xác: Biển Cồn Cỏ có các loại giáp xác, nhuyễn thể trong đó có hàng chục loại tôm, cua quý hiếm như: Tôm hùm, tôm sú, của bể, ghẹ... có ý nghĩa lớn về kinh tế, các loại nhuyển thể 2 mảng như: ngao, điệp ốc, các loại, ngọc trai...thể hiện sự phong phú, đa dạng của sinh học vùng biển. + Các loại rong biển: Rong biển Cồn Cỏ có 52 loại thuộc 3 ngành: Rong đỏ, rong nâu và rong lục trong đó 48 loại có giá trị kinh tế cao. Với những đặc điểm đó, Cồn Cỏ đầy tiềm năng trong nuôi trồng và khai thác, phát triển ngành nghề đánh bắt thuỷ hải sản... + Rạn san hô: San hô vùng biển Cồn Cỏ có 109 loài, 42 giống thuộc 15 họ phân bổ rộng khắp quanh đảo, với các dạng san hô ven bờ và những tập đoàn phân tán. Đặc biệt tháng 10 năm 2005 Viện nghiên cứu Bộ Thuỷ Sản được sự tài trợ của Tổ chức Bảo tồn biển đảo Đan Mạch và Quốc tế đã tiến hành lặn, thăm dò, khảo sát quanh đảo (chủ yếu do chuyên gia và thợ lặn Đan Mạch) bước đầu đã đa ra kết luận sơ bộ: + Thảm sinh vật biển, mà đặc biệt là san hô quanh đảo Cồn Cỏ là đa dạng nhất, phong phú nhất, và đẹp nhất bởi tính nguyên sơ của nó trong các thảm san hô của biển đảo Việt Nam. + Đặc biệt đoàn còn nhận định: Tại Cồn Cỏ có loài san hô màu đỏ cực kỳ quý hiếm và san hô đen phân bổ vùng nước có độ sâu từ 40m trở lên, đây là loại san hô có giá trị kinh tế cao. Rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá là đang trong tình trạng rất tốt, độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và cũng tương đối nguyên vẹn chỉ sau Phú Quốc, Côn Đảo và Hòn Mun. Hiện nay tổ chức bảo tồn biển Việt Nam và quốc tế đang đa Cồn Cỏ vào danh mục ưu tiên thực hiện “Dự án bảo tồn biển”; ngày 14/10/2009 UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định số 2090/QĐ-UBND về việc thành lập khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ với tổng diện tích 4.532 ha theo loại hình bảo tồn loài, sinh vật cảnh gồm hệ sinh thái rạn san hô và các loài động, thực vật biển quý hiếm. Đây chính là điều kiện thuận lợi, tạo lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái biển. Một đăc điểm nữa đó là: Cồn Cỏ có vị trị địa lý không quá gần cũng không quá xa để tổ chức các hoạt động du lịch. Mặt khác, là đảo được kiến tạo bởi núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất, tài nguyên, nguồn lợi sinh vật biển; sinh thái cảnh quan như là một bảo tàng tự nhiên với các thềm đá Bazan kỳ vĩ, bãi tắm nhỏ được tạo bởi vụn san hô, sò điệp, nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định. Bên cạnh đó Cồn Cỏ có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lữa; rừng trên thềm san hô cở quý hiến ở Việt Nam. Các yếu tố đặc thù đó tạo cho Cồn Cỏ những lợi thế, sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch sinh thái biển đảo với các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, lặn thám hiểm biển...và phát triển huyện đảo Cồn Cỏ thành huyện đảo du lịch theo Nghị định 174/2004/NĐ - CP của Chính phủ. Điểm thuận lợi nữa là Cồn Cỏ nằm trong hệ thống các di tích lịch sử nổi tiếng trong cuộc trường chinh giữ nước của quân và dân Quảng Trị như: Sông Bến Hải ; Cầu Hiền Lương; Vĩ tuyến 17; địa đạo Vịnh Mốc; Thành Cổ Quảng Trị... Rừng Cồn Cỏ chiếm 73,7 % tổng diện tích, được xem là lá phổi của đảo. Rừng Cồn Cỏ thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên nền san hô và mãnh vụn sò ốc do đó đa phần cây thấp, nhỏ. Trong đó có số cây bản địa có giá trị như: Bàng vuông; cây phong ba; dứa dại. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái rừng khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam được gìn giữ và bảo vệ tốt. Khí hậu trên đảo trong lành, mát mẽ, không bị ô nhiễm. Rừng Cồn Cỏ có vị trí hết sức quan trọng đối với hệ môi trờng sinh thái với các chức năng: Chắn gió; điều tiết nguồn nước; che phủ và phòng hộ. Ngoài các ý nghĩa trên, rừng Cồn Cỏ hội đủ các yếu tố về cảnh quan, môi trường cho hoạt động du lịch, sinh thái. + Tiềm năng du lịch Cồn Cỏ. Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, đảo Cồn Cỏ có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế - lãnh thổ và quốc phòng - an ninh của đất nước. Đồng thời do nằm trong khu vực miền Trung nơi giao nhau của các tuyến giao thông quan trọng Bắc - Nam, và đặc biệt là tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nối Việt Nam với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar ... nên Cồn Cỏ có lợi thế lớn về mặt vị trí địa lý. Đảo Cồn Cỏ là chiến trường xưa gắn liền với những trận đánh ác liệt, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về mặt tiềm năng du lịch, đảo Cồn Cỏ là khu vực có địa hình cảnh quan đẹp, hệ sinh vật rừng và biển đa dạng, đây là những lợi thế không nhỏ để hình thành các sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch sinh thái rừng và biển... những loại hình du lịch đang thu hút được đông đảo du khách. Đảo Cồn Cỏ được quy hoạch là một đỉnh trong tam giác phát triển du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ, nằm trong cụm phát triển du lịch trọng điểm phía Bắc của tỉnh Quảng Trị. + Một số điều kiện thuận lợi đáng chú ý khác: - Trong những năm qua, huyện đã tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay bên cạnh việc rà soát bổ sung Quy hoạch tổng thể KT-XH, huyện đã hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch chi tiết du lịch; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính - dân cư; Quy hoạch các tuyến đường giao thông trên đảo theo định hướng xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch làm cơ sở, tiền đề cho công tác đầu tư và quảng bá kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai các đề án quy hoạch, huyện đã tranh thủ được sự tham gia tư vấn của các chuyên gia nước ngoài, tư vấn chuyên ngành của các Bộ, ngành chức năng, sự tham gia nghiên cứu của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học của các trường Đại học lớn trong cả nước và các cơ quan quân sự địa phương. - Về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật: Nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như hệ thống âu tàu cảng cá; kè chống xói lở Bến Tranh; các tuyến đường giao thông như tuyến đường chủ đạo chạy quanh đảo dài 5km, tuyến T2, N5, T1B trong khu trung tâm hành chính đã được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và phục vụ du lịch. - Cấp điện: Năm 2009 huyện đã đầu tư xây dựng 01 trạm cấp điện tập trung bằng động cơ diezel có tổng công suất 132KVA- 0,4KV với 02 máy công suất 66 KVA. Công trình đã được đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 2009 tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. - Cấp nước: Trên đảo có một số giếng khoan có nước ngọt, tuy trữ lượng không lớn nhưng đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng dự án thu gom, dự trữ và cung cấp nước tập trung cho toàn đảo. - Thông tin liên lạc: Hiện trên đảo đã đầu tư 02 trạm viễn thông của Vinaphone và Viettel, Đài Phát thanh Truyền hình, Trạm đèn biển, trạm khí tượng, trạm ra đa. - Việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, là điều kiện hết sức thuận lợi để Quảng Trị đầu tư phát triển du lịch biển đảo nói chung, du lịch đảo Cồn Cỏ nói riêng. Với các yếu tố thuận lợi đó tạo nên một sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch biển đảo Cồn Cỏ với các loại hình như: Tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thám hiểm biển, thể thao biển. Đảo Cồn Cỏ cùng với Cửa Tùng - Cửa Việt được xác định sẽ là vùng động lực phát triển du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển tổng hợp mang tầm quốc gia. Hôm nay, trước vận hội mới của dân tộc. Cồn Cỏ đang chuyển mình trong hành trình hướng tới tương lai. Đảng bộ, quân và dân huyện đảo đang phát huy cao độ truyền thống anh hùng; đoàn kết một lòng khai thác tiềm năng thế mạnh, tranh thủ có hiệu quả nguồn lực bên ngoài. Phấn đấu xây dựng huyện đảo vững về chính trị - giàu về kinh tế - mạnh về quốc phòng an ninh - đẹp về văn hoá. Tin tưởng vào một ngày không xa Cồn Cỏ anh hùng sẽ sớm trở thành Huyện đảo văn hoá du lịch nơi cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc./.
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay812
  • Tổng lượt truy cập4.077.552