Chi tiết tin tức - Huyện Cồn Cỏ

“Hoa phong ba” trên đảo nhỏ anh hùng

16:14, Thứ Ba, 2-1-2024 377 0

Đi qua những tháng năm thăng trầm cùng biến thiên của lịch sử, Cồn Cỏ - hòn đảo “Bé hạt tiêu trên vời biển cả” vẫn đang âm thầm vươn mình cùng với quân, dân tỉnh nhà để một lần nữa viết tiếp những trang sử vàng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trên hành trình đó, không thể không kể đến vai trò của chị em phụ nữ - những người được ví như “hoa phong ba” miệt mài nở giữa trùng khơi.

Cồn Cỏ ngày ấy - bây giờ

Là một trong những người con gái thuộc lứa thanh niên xung phong đầu tiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tình nguyện ra xây dựng đảo vào năm 2002, chị Nguyễn Hạnh Nhân (sinh năm 1980), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện đảo Cồn Cỏ vẫn không khỏi xúc động khi nhớ về những ngày đầu đặt chân lên đảo. “Điều kiện lúc bấy giờ khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Tàu thuyền vận chuyển lương thực, thực phẩm ra đảo không đủ đáp ứng nhu cầu, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, với chị em phụ nữ lại càng khó khăn hơn. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ quê, có những giây phút yếu lòng, chỉ muốn bỏ lại tất cả để trở về với đất liền nhưng mọi người vẫn luôn động viên lẫn nhau để vượt lên hoàn cảnh, cùng nhau gắn bó với đảo”, chị Nhân chia sẻ.

Phụ nữ Cồn Cỏ -những “bông hoa phong ba” miệt mài tỏa hương giữa biển cả

Ngoài số lượng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên đảo, năm 2002, theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có 43 tình nguyện viên gia nhập lực lượng thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp, trong số đó có 15 nữ thanh niên. Đảo lúc này như được tiếp thêm sức mạnh khi có bóng hình của chị em phụ nữ. Đến năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ chính thức được thành lập theo Nghị định số 174/2004 của Chính phủ.

Trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thứ 10 của tỉnh, huyện tiếp nhận lực lượng thanh niên xung phong thành lập thành Khu dân cư Thanh niên đầu tiên của đảo. Từ 43 thanh niên ban đầu, đến nay, tổng số dân cư trên đảo đã lên đến gần 80 nhân khẩu trên tổng số 500 người hiện đang sinh sống trên đảo.

Từng bước hoàn thiện về mặt tổ chức, biên chế của các cơ quan, ban, ngành hoạt động trên đảo, cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em thuộc huyện đảo, Hội LHPN huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập, đi vào hoạt động. Hội đã trở thành chỗ dựa tinh thần, tạo cơ hội cho hội viên tham gia các hoạt động chính trị - xã hội của địa phương. Vượt qua những khó khăn, thử thách của buổi ban đầu, đến nay, Hội LHPN huyện đảo đã có 38/38 hội viên phụ nữ, chiếm 100% tổng số phụ nữ tham gia sinh hoạt.

Tiếp bước theo gương các thế hệ đi trước, chị em phụ nữ cùng Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ đã khắc phục được những khó khăn ban đầu, làm sống lại truyền thống anh hùng bằng sức trẻ của “đảo thanh niên”. Trong sự khởi sắc của huyện đảo sau gần 20 năm thành lập, hôm nay có dấu ấn bàn tay, khối óc của chị em phụ nữ.

Dáng hình phụ nữ trên đảo nhỏ

Là lực lượng chính tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phụ nữ Cồn Cỏ đang dần bắt nhịp với thị trường du lịch ngày càng tăng. Chị em hội viên đã chủ động cung ứng các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách; tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, cách thức bày trí bữa ăn, đón tiếp khách du lịch đến với đảo. Một số hội viên ngoài việc chăm sóc gia đình, hỗ trợ chồng vươn khơi bám biển đã chủ động chăn nuôi, cung ứng nguồn thực phẩm cho các hộ dân, hộ kinh doanh ngay trên đảo, phụ giúp kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, góp phần cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế địa phương.

Hội LHPN huyện Cồn Cỏ đoạt giải Nhì tại cuộc thi Duyên dáng áo dài phụ nữ Quảng Trị, năm 2023

Lớn lên ở Hà Tĩnh, lấy chồng tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, chị Hoàng Thị Lam đã cùng chồng ra đảo sinh sống và lập nghiệp từ năm 2010. Từ một quán cháo bột bình dân, đến nay, vợ chồng chị Lam đã mở được nhà hàng, nhà nghỉ phục vụ khách du lịch đến thăm đảo.

Bằng ý chí, nghị lực vươn lên của người miền Trung, vợ chồng chị Lam đã nuôi thêm 1.000 con cua đá, 100 con heo và gần 60 con dê, vừa cung ứng thực phẩm cho người dân và khách du lịch, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho các sản phẩm chăn nuôi. Mặc dù tình hình dịch bệnh gây nhiều trở ngại cho việc phát triển du lịch, lượng tour sử dụng dịch vụ của chị Lam vẫn ổn định. Vào những tháng cao điểm, gia đình chị có thể thu được từ 40 - 50 triệu đồng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, chị em phụ nữ sinh sống trên đảo cũng được hướng dẫn chế biến nước mắm, cá khô, hỗ trợ con giống để chăn nuôi. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN huyện đã thành lập tổ hợp tác (THT) khai thác cây dược liệu Giảo Cổ Lam giới thiệu ra thị trường.

“Trước đây, nhiều chị em trên đảo chưa được đào tạo nên chế biến thủ công khiến sản phẩm tiêu thụ kém, thu nhập không ổn định. Trước tình hình đó, Hội LHPN huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động chị em tham gia mô hình “THT khai thác, sản xuất trà túi lọc Giảo Cổ Lam”. Hiện THT có 21 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ THT trang bị các máy móc cần thiết từ khâu thu hoạch đến chế biến, sản xuất bao bì, nhãn mác phục vụ cho việc đóng gói sản phẩm”, chị Nguyễn Thị Quyệt, Tổ trưởng THT khai thác, sản xuất trà túi lọc Giảo Cổ Lam cho biết.

Hội LHPN huyện Cồn Cỏ tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho chị em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, chị em trên đảo vẫn không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Phụ nữ Cồn Cỏ phát huy tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên nuôi dạy con cái, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Chị em nhắc nhở nhau hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm từ nhựa, thay thế sử dụng túi nilon bằng túi tự hủy sinh học thân thiện với môi trường, để cùng nhau giữ gìn sự đa dạng, nguyên sơ của “viên ngọc xanh” - Cồn Cỏ.

Đúng như phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, với những phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phụ nữ đảo Cồn Cỏ đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần trên vùng đất đầy sóng và gió nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Tại cuộc thi “Duyên dáng áo dài” phụ nữ Quảng Trị năm 2023 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, Hội LHPN huyện đảo Cồn Cỏ đã đoạt giải Nhì chung cuộc với sản phẩm dự thi chất lượng, công phu, được đầu tư bài bản. Đây cũng chính là cách chị em huyện đảo quảng bá đến du khách khắp nơi về một hòn đảo nhỏ trong xanh, thơ mộng với những người dân thân thiện, mến khách nằm trọn giữa lòng duyên hải miền Trung.

Từ khi đặt chân lên đảo từ thời con gái tuổi vừa đôi mươi, đến nay đã vào độ tứ tuần, trong ánh mắt của chị Hạnh Nhân vẫn lấp lánh lên bao niềm vui khi nhắc lại những nỗ lực của lứa thanh niên đầu tiên đi xây dựng và phát triển huyện đảo.

“Hội LHPN huyện sẽ đồng hành, hỗ trợ chị em phụ nữ về nguồn giống, tổ chức các lớp dạy nghề, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ sản xuất trà túi lọc Giảo Cổ Lam; động viên, hỗ trợ chị em khắc phục khó khăn, chung tay xây dựng huyện đảo phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có”, chị Nhân cho biết.

Giữa muôn trùng sóng biếc, những người phụ nữ Cồn Cỏ vẫn luôn bản lĩnh, rắn rỏi, cần mẫn nhưng cũng rất duyên dáng, thân thiện trên hành trình dựng xây và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Một thế hệ trước anh hùng chiến đấu để giữ gìn danh xưng “chiến hạm không bao giờ chìm” giữa biển Đông sóng gió, thế hệ sau nguyện làm những “bông hoa phong ba” tỏa ngát giữa biển cả bao la để bảo vệ vùng biển, vùng trời chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, để Cồn Cỏ xứng đáng là “viên ngọc xanh” trong mắt sóng!

Thu Thảo

https://baoquangtri.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay2803
  • Tổng lượt truy cập4.108.271