Chi tiết tin tức - Huyện Cồn Cỏ

Cồn Cỏ "Đảo ngọc" giữa biển Đông

10:7, Thứ Hai, 21-3-2016 1773 0

Cồn Cỏ là một hòn đảo thuộc vùng biển tỉnh Quảng Trị, cách đất liền 13 - 17 hải lý về phía Đông. Điểm gần nhất cách Mũi Lay thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh 13 hải lý, cách Cửa Tùng 15 hải lý, Cửa Việt 17 hải lý.  Đảo có diện tích 2,3km2 với dân số khoảng 400 người. Đảo còn có các tên khác là: Hòn Cỏ, Hòn Gió, Thảo Phù, Hòn Mệ, Con Hổ... Mặc dù với diện tích không lớn nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ - một trong những vịnh lớn hàng đầu thế giới. Cồn Cỏ có vị trí khá thuận lợi về địa - kinh tế: vừa gần đất liền vừa có thể mở hướng vươn khơi thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đảo (dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng…) vừa thuận lợi cho phát triển giao thông đường biển, hoạt động du lịch (trong tam giác Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ nói riêng và Quảng Trị nói chung). Đồng thời Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng thủ lãnh hải, lãnh thổ và phát triển kinh tế xã hội của hệ thống đảo và hải đảo Việt Nam.

Đảo Cồn Cỏ nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet)

Hệ thống chính trị của huyện được củng cố, kiện toàn phù hợp với đặc thù có tính chuyên biệt cao của huyện đảo. Vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và điều hành, nhân dân làm chủ được khẳng định. Với quan điểm ưu tiên tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch, đến nay huyện đảo Cồn Cỏ đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch trên phạm vi toàn huyện. Từ quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch các ngành, lĩnh vực như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch du lịch, quy hoạch chi tiết khu dân cư, quy hoạch giao thông, môi trường...Hệ thống cơ sở hạ tầng, trước hết là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tác nghiệp của lực lượng vũ trang, bảo vệ cảnh quan, môi trường của đảo được đầu tư xây dựng với số vốn  gần 1.000 tỷ đồng như: Hệ thống cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống xói lở bảo vệ đảo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với QPAN, Hồ thu gom và chứa nước nhân tạo, hệ thống điện, giao thông trên đảo...; các hoạt động dịch vụ đời sống cung ứng điện, nước, du lịch được khởi động; công tác bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái được tăng cường.

Bình minh trên đảo Cồn Cỏ

Các hoạt động văn hoá xã hội được coi trọng, các thiết chế văn hoá được hình thành như: Nhà văn hoá, Trung tâm y tế, hệ thống thông tin liên lạc, Đài truyền thanh, lớp mầm non. Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn hoá thể thao được tổ chức thường xuyên đã phần nào đáp ứng nhu cầu tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa, nhanh chóng hòa nhập với các phong trào văn hóa của tỉnh Quảng Trị

Nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên đảo được xây dựng và củng cố vững chắc, khu vực phòng thủ huyện được tăng cường. Các lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ thường xuyên huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đảo, trên biển được giữ vững. Sau 10 năm thành lập huyện đảo không có tội phạm hình sự, không có tệ nạn, không có đơn thư khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo. Môi trường chính trị, văn hóa, xã hội lành mạnh và bình yên. 

Tuy nhiên trong điều kiện của một huyện đảo mới thành lập, nằm cách xa đất liền và xuất phát điểm thấp trên nền của một đảo thuần về quân sự . Do đó trong quá trình xây dựng và phát triển Cồn Cỏ theo định hướng như Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất và thứ hai đề ra còn gặp không ít những khó khăn trở ngại. Cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ nhất là hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch như điện, nước, phương tiện đi lại. Giải bài toán giữa phát triển kinh tế với đảm bảo QPAN và cơ chế của một đảo thuần về quân sự trước đây đang là vấn đề bức xúc đòi hỏi các cấp từ huyện, tỉnh và TW cần tập trung xử lý. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng theo định hướng cơ cấu kinh tế, công tác di dân còn khó khăn, tổ chức bộ máy cán bộ chưa hoàn thiện, thời tiết diễn biến bất thường, tình hình tranh chấp ngư trường, chủ quyền trên biển diễn biến phức tạp khó lường...Những điều này là một trong những khó khăn lớn cho sự phát triển của Cồn Cỏ.

Một góc huyện đảo Cồn Cỏ

Dẫu còn đó bộn bề những khó khăn của một huyện mới thành lập 10 năm. Song chúng tôi tin tưởng rằng: Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, của tỉnh và của bạn bè gần xa, cùng sự nổ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong tương lai không xa Cồn Cỏ sẽ trở thành “hòn ngọc Biển Đông”, là một đỉnh lấp lánh của tam giác du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ, là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, xứng đáng là đảo văn hóa - đảo du lịch - đảo an toàn trên nền đảo Thanh niên nơi cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc./.

Cồn Cỏ có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch. Là đảo hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa cách đây trên 4 vạn năm, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bải tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát...nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, có địa hình cảnh quan đẹp. Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi gần 74% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ làm cho Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh với thảm thực vật phong phú. Động vật trên đảo tuy không nhiều song chủng loại khá độc đáo. Những đàn én thường xuyên bay lượn. Trong các lùm cây có nhiều loại bò sát, trong đó có loài rắn lục đuôi đỏ rất độc nhưng lại là dược liệu quý hiếm. Đặc biệt Cồn Cỏ có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Cua đá đảo Cồn Cỏ

Cồn Cỏ nằm trong khu vực có hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên khá phong phú của ngư trường Con Hổ rộng khoảng 9.000km2, gần nơi giao thoa của các dòng hải lưu, nơi hội tụ của các vùng hải sản Bắc Nam - Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Với đặc trưng đa dạng của hệ sinh thái, vùng biển quanh đảo có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú. Theo kết quả nghiên cứu Cồn Cỏ có 267 loài cá của 120 giống thuộc 69 họ, với trữ lượng khoảng 60.000 tấn/năm.  Ngoài ra còn có các loại giáp xác, nhuyển thể, cua, tôm hùm, ghẹ và cá thu, ngừ… có giá trị xuất khẩu cao. Với đặc trưng của hệ sinh thái, vùng biển quanh đảo có các tài nguyên sinh vật biển khá đa dạng như rong biển (52 loài thuộc 3 ngành trong đó có 48 loài có giá trị kinh tế cao). Ngành thủy sản đã phát hiện đáy biển Cồn Cỏ là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất đã được khảo sát tại Việt Nam. Cồn Cỏ còn có loài san hô đỏ rất quý hiếm với mật độ dày, hình khối rất đẹp, màu sắc hấp dẫn khác thường.

Lặn ngắm san hô

Các yếu tố đặc thù đó đã tạo cho Cồn Cỏ có những lợi thế, sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch sinh thái biển đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, du lịch thể thao, lặn thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh trên đảo...

Đi tham quan và chiêm ngưỡng hệ thảm thực vật rừng Cồn Cỏ

Cồn Cỏ nằm trong hệ thống các địa danh lịch sử nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến  của quân và dân Quảng Trị như Cầu Hiền Lương, Vĩ tuyến 17, Địa dạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, các khu du lịch Cửa Tùng, Cửa Việt…Hơn nữa Cồn Cỏ nằm trên trục nối dài đường xuyên Á liên kết các nước ASEAN, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đồng thời gần với các di sản thiên nhiên thế giới như Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng. Đặc biệt Cồn Cỏ còn đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công bất hủ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 21 năm đánh Mỹ, Cồn Cỏ là hòn đảo tiền tiêu của miền Bắc XHCN, là biểu tượng cho ý chí ý kiên cường và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam, trở thành “Chiến hạm thép canh giữ Biển Đông Tổ quốc”, là “con mắt thần”, “vọng gác tiền tiêu” của miền Bắc XHCN, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của khát vọng chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đến với Cồn Cỏ là đến với những địa danh hiển hách của cuộc  trường chinh thống nhất đất nước đầy hào hùng của dân tộc. Cồn Cỏ vững vàng sau bao bão đạn, dông bom kẻ thù, hiên ngang và chiến thắng. Trong suốt gần 1.500 ngày đêm đánh Mỹ, với trên 1.000 trận đánh lớn nhỏ các LLVT Cồn Cỏ đã bắn cháy 48 máy bay, bắn chìm và cháy 17 tàu chiến các loại của Mỹ - Ngụy. Với những chiến công hiển hách đó Cồn Cỏ vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 6 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu anh hùng, ba lần được Bác Hồ kính yêu gửi thư khen ngợi và đề tặng hai câu thơ
“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.
Đến nay nhiều chứng tích chiến tranh vẫn hiện hữu trên đảo như: Hệ thống giao thông hào và các địa đạo dọc ngang dài hơn 20km, hàng chục lô cốt và công sự chiến đấu dọc bờ biển, các khu nhà pháo, các địa danh như điểm cao 63, 37, Hà Đông, Hà Nội, Hải Phòng...Vì vậy Cồn Cỏ còn là điểm du lịch lịch sử hấp dẫn, là địa chỉ đỏ - nơi nhiều người mong muốn có dịp đến thăm để ngưỡng mộ về một quá khứ hào hùng và đầy oanh liệt nhằm làm tốt hơn công tác giáo dục  truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Với chủ trương “dân sự hoá”, từ năm 2002 đã đánh dấu một bước phát triển mới ở đảo Cồn Cỏ. Bằng mô hình “Đảo thanh niên” tỉnh Đoàn Quảng Trị đã đưa 43 Thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp. Cơ cấu dân cư trên đảo Cồn Cỏ có sự thay đổi. Làng thanh niên xung phong, một số cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đã được nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống giao thông, âu tàu, cảng cá, chương trình thăm dò nước ngọt, nhà ở thanh niên xung phong…. đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng tại Cồn Cỏ trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng đảo Cồn Cỏ thành một thực thể  hành chính, kinh tế kết hợp với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia.

Ngư dân đánh bắt tại ngư trường Cồn Cỏ

Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị ngày 1/10/2004 Chính phủ đã ra nghị định 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ với định hướng: Xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành huyện đảo du lịch kết hợp với QPAN giữ vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, hoàn tất tiến trình dân sự hóa đảo. Cồn Cỏ trở thành đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị và là huyện đảo thứ 12 của cả nước. Với quan điểm mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, ngay từ khi thành lập đến nay định hướng cơ cấu phát triển kinh tế huyện đảo Cồn Cỏ về lâu dài là: phát triển du lịch - dịch vụ, thủy sản, nông lâm nghiệp, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó:
       Du lịch, dịch vụ làm chủ đạo;
       Thủy sản làm cơ sở;
       Nông lâm làm bổ trợ.
 Trong chặng đường 10 năm đầu xây dựng và phát triển, huyện đảo Cồn Cỏ luôn phát huy truyền thống  anh hùng, đoàn kết, chủ động sáng tạo vượt qua thử thách, tận dụng tốt thời cơ  xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về an ninh quốc phòng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Cồn Cỏ đã và đang từng ngày chuyển mình với nhiều khởi sắc mới, hình hài một đô thị nhỏ trên “đảo ngọc” nằm giữa biển đông được lộ diện.

Tác giả: Phạm Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay709
  • Tổng lượt truy cập4.077.449