Chi tiết tin tức - Huyện Cồn Cỏ

Những điểm mới quan trọng tại Quy định 96-QĐ/TW về việc “Lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”

22/03/2023 712 0

Ngày 02/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96-QĐ/TW về việc “Lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” (Quy định 96), thể hiện rõ những bước tiến mới trong việc đánh giá cán bộ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở nước ta đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương của Đảng nhằm đánh giá cán bộ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được chính thức đưa ra trong Quy định số 262-QĐ/TW năm 2014 (Quy định 262) về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Sau gần 10 năm, Quy định 96 được ban hành xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và những nhiệm vụ đặt ra cho công tác cán bộ.
So với Quy định 262 được ban hành năm 2014, Quy định 96 có một số điểm mới nổi bật về lấy phiếu tín nhiệm như sau:
Một là, mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.
Trước đây, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với các chức danh là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Trong 5 năm của nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm 2 lần, một lần vào giữa nhiệm kỳ và một lần vào cuối nhiệm kỳ. Quốc hội vào các năm 2013, 2014 cũng đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó, Quốc hội quyết định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi khoá, đến năm 2018, Quốc hội tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Với Quy định 96 lần này, quy mô đã mở rộng trong toàn hệ thống chính trị các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận đoàn thể, từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Việc mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá bao quát hơn, trên quy mô rộng hơn mức độ tín nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta.
Hai là, làm rõ hơn mục đích của lấy phiếu tín nhiệm.
Nếu như Quy định 262 chưa nêu rõ mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm thì Quy định 96 đã nêu rõ mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là: “Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và “Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp uỷ, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ”. Như vậy, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhằm thực hiện chủ trương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, trách nhiệm… Mục đích này cho thấy Quy định 96 là sự cụ thể hóa hơn những chủ trương lớn của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
Ba là, mở rộng nội dung của lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Quy định 96, trong tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ có tiêu chí về sự gương mẫu của bản thân, của vợ hoặc chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước. Quy định nêu rõ nội dung tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ có dựa trên kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp uỷ nơi cư trú.
Tiêu chí này được đưa ra rất đúng và rất trúng trong bối cảnh hiện nay bởi lẽ thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều cán bộ từ chức hoặc bị miễn nhiệm, bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố đều do sự không gương mẫu của bản thân, trong đó có nhiều người do sự không gương mẫu của vợ hoặc chồng, con của họ. Từ sự không gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước dẫn đến có sự tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Quy định 96 đưa việc xem xét sự gương mẫu của vợ, chồng, con, của cán bộ trong việc chấp hành chủ trương, đường lối chính sách để làm một tiêu chí đánh giá tín nhiệm của cán bộ là một bước tiến, thể hiện một sự chặt chẽ hơn trong các quy định, thể chế của công tác cán bộ. Quy định này cho phép chúng ta kiểm soát tốt hơn quyền lực của cán bộ, không để tình trạng lợi dụng quyền lực, chức vụ của cán bộ để trục lợi ở phạm vi người thân trong gia đình. 
Bốn là, làm rõ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Nếu theo Quy định 262, “kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ” thì Quy định 96 nêu rõ “kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”. Kết quả của lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng tham khảo trong công tác đánh giá cán bộ có nghĩa có thể sử dụng hoặc không tùy vào mong muốn của tổ chức song kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ có nghĩa là khi đánh giá cán bộ bắt buộc phải sử dụng kết quả của lấy phiếu tín nhiệm. Điều này khiến cho việc lấy phiếu tín nhiệm trở thành yêu cầu bắt buộc, cần được tiến hành một cách cẩn trọng, theo đúng quy định.

Ngoài ra, Quy định 96 còn cụ thể và chặt chẽ hơn về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể, trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì phải từ chức hoặc bố trí ở vị trí thấp hơn; nếu quá 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị miễn nhiệm. Quy định không còn chung chung như trước đây nữa. Từ đó, việc lấy phiếu tín nhiệm một mặt tạo ra những áp lực cho người được lấy phiếu, mặt khác cũng trở thành động lực giúp họ hoàn thiện bản thân mình hơn. Với sự thay đổi này, có thể nói đây là quy định có ý nghĩa thực tiễn rất lớn vì đã có thêm một tiêu chí rất rõ nét để đánh giá cán bộ, đồng thời, tạo nên một chế tài đối với những cán bộ có điểm yếu. Điểm mới này sẽ góp phần khắc phục tính hình thức của việc lấy phiếu tín nhiệm. Nó cũng sẽ có tác động nhiều mặt đến công tác cán bộ và bản thân đội ngũ cán bộ. Với quy định cụ thể này, nếu cán bộ làm không tốt dẫn tới tín nhiệm thấp sẽ bị tổ chức xử lý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cán bộ mà còn cả đến chức vụ mà họ đang đảm nhiệm.
                                                                               

Ban biên tập
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay177
  • Tổng lượt truy cập3.983.987