Chi tiết tin tức - Huyện Cồn Cỏ

BQL khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ với đề tài nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu Răng cưa khổng lồ

24/02/2023 1543 0

Nhằm xác định được hiện trạng nguồn lợi Hàu răng cưa khổng lồ, xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo và mô hình nuôi ngoài bãi tự nhiên; ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 3527/QĐ-UBND Phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu răng cưa khổng lồ (Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758) tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ” do Ban Quản lý KBT biển đảo Cồn Cỏ làm chủ đề tài. 
 

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung, kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho ngư dân vùng biển. Từ năm 2017 đến nay, lượng du khách đi du lịch đảo Cồn Cỏ ngày càng nhiều, nhu cầu tiêu thụ các loài hải sản ngày càng lớn. Điển hình trong số các loài hải sản tiêu thụ nhiều tại đảo là loài Hàu răng cưa khổng lồ, chính vì thế mà loài hải sản này đang bị khai thác quá mức, có khả năng sẽ cạn kiệt và biến mất trong tương lai gần. Do đó, việc triển khai đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu Răng cưa khổng lồ (Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758) tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ” là rất cần thiết và cấp bách. Kết quả nghiên cứu của Đề tài là cơ sở khoa học nhằm góp phần quản lý, khai thác bền vững, tạo sinh kế cho các hộ dân sinh sống trên đảo, góp phần quảng bá sản phẩm du lịch nổi tiếng tại đảo Cồn Cỏ trong tương lai gần.
Nội dung chủ yếu của đề tài là tổng quan nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, nguồn lợi, giá trị dinh dưỡng, bảo tồn loài Hàu răng cưa trên thế giới và tại Việt Nam. Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản, sinh thái và hiện trạng nguồn lợi phân bố; thử nghiệm sinh sản nhân tạo Hàu răng cưa; đồng thời nghiên cứu mô hình nuôi Hàu răng cưa trên bãi tự nhiên quanh đảo dựa trên sự đồng quản lý của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và người dân để phục vụ phát triển du lịch tại đảo. Gắn công tác nghiên cứu với tập huấn tuyên truyền các kiến thức khoa học và kiến thức về pháp luật về Hàu răng cưa cho cộng đồng dân cư trên đảo; đưa ra những khuyến cáo về mùa vụ, kích thước, số lượng khai thác; ngư cụ, phương pháp khai thác bền vững.


Sản phẩm của đề tài thu được là tổng quan về đặc điểm sinh học, phân bố và giá giá trị dinh dưỡng; đặc điểm sinh học sinh sản, sinh thái, phân bố; mật độ và trữ lượng nguồn lợi của Hàu răng cưa khổng lồ; Bản đồ số khoanh vùng bảo tồn và vùng khai thác tại vùng biển đảo Cồn Cỏ. Bộ số liệu kết quả nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo Hàu răng cưa khổng lồ về lựa chọn bố mẹ nuôi vỗ, tỷ lệ thành thục, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, tỷ lệ sống ấu trùng. Đề tài sẽ xác định quy trình sinh sản nhân tạo, mô hình nuôi Hàu răng cưa phù hợp với điều kiện tự nhiên tại đảo Cồn Cỏ với một số tiêu chí chính, đó là: quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi Hàu răng cưa trên cơ sở đồng quản lý và người dân; Đề xuất mùa vụ, kích thước và số lượng cá thể khai thác loài Hàu răng cưa khổng lồ; Hướng dẫn phương pháp khai thác Hàu hợp lý góp phần bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi sinh vật này trong vùng biển đảo Cồn Cỏ.
Trong thời gian 30 tháng thực hiện nghiên cứu, đề tài xác định phương án nhân rộng kết quả nghiên cứu một cách cụ thể. Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (Ban Quản lý) sẽ ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài để sản xuất giống, bổ sung nguồn giống nhân tạo cho vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ nhằm phục hồi nguồn lợi hàu bị suy giảm do khai thác quá mức của con người. Chuyển giao quy trình sản xuất giống cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu sản xuất giống đại trà loài hàu này để cung cấp con giống cho người nuôi thương phẩm, quy trình nuôi thương phẩm Hàu răng cưa khổng lồ trên bãi tự nhiên cho các doanh nghiệp, hộ ngư dân trên đảo nói riêng và trong cả nước nói chung có nhu cầu nuôi thương phẩm loài hàu này. Đồng thời Ban Quản lý sẽ cung cấp con giống và chuyển giao Quy trình kỹ thuật nuôi Hàu răng cưa khổng lồ trên bãi tự nhiên cho các Khu bảo tồn biển khác trong nước có điều kiện tự nhiên phù hợp, nhằm bổ sung sinh vật tái tạo rạn san hô đồng thời phục vụ nhu cầu ẩm thực hải sản riêng có loài hàu này đến với người dân.


                                                                                  Tác giả: Nguyễn Văn Hòa
Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay759
  • Tổng lượt truy cập4.077.499