Chi tiết tin tức - Huyện Cồn Cỏ

Lễ hội “Phá Trằm” Trà Lộc năm 2023

03/09/2023 1672 0

Trong không khí vui tươi phấn khởi cùng với Nhân dân cả nước tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023), ngày 03/9/203, tại khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, Ban Quản lý Khu du lịch và làng Văn hoá Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng tổ chức Lễ hội “Phá Trằm” năm 2023.

Phần nghi lễ tại Lễ hội "Phá Trằm" Trà Lộc năm 2023

Đến dự và theo dõi hoạt động Lễ hội có đồng chí Cáp Xuân Tá - Huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm VHTT-TDTT huyện; các đồng chí trong BTV Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam và các ban ngành, đoàn thể xã Hải Hưng; các đại biểu Chi bộ, thôn, BĐH Làng văn hoá Trà Lộc cùng các bác trong Hội đồng Tộc trưởng, các bô lão, bà con Nhân dân trong làng và các vùng lân cận. Đặc biệt, lễ hội đã thu hút hàng trăm lượt du khách thập phương đến tham gia.

Quang cảnh khai mạc Lễ hội

Trằm Trà Lộc thuộc xã Hải Hưng là một trong những khu rừng tự nhiên còn nguyên sinh của huyện Hải Lăng, khu rừng này đã tồn tại cách đây hàng trăm năm, ở trung tâm khu rừng là một hồ nước rộng tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp, không khí trong lành và được Nhân dân làng Trà Lộc chăm sóc và bảo vệ từ đời nay qua đời khác. Cũng tại khu rừng tự nhiên này, còn có di tích cổ, đó là Tháp Chăm Trà Lộc, đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích khảo cổ vào năm 1996. Người dân địa phương luôn xem đây là tài sản vô giá được thiên nhiên ban tặng và cùng nhau ra sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị.

Đánh trống khai hội

Đến với Trằm Trà Lộc vào tháng 7 âm lịch hàng năm, du khách sẽ được tham dự Lễ hội “Phá Trằm” có từ hơn 300 năm trước. Đây được xem là ngày hội thuần nông của bà con nông dân quanh năm chân lấm tay bùn sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè thu hằng năm. Người dân ở Trà Lộc cho rằng, Trằm là do trời đất ban tặng. Do vậy, sau một năm đồng áng vất vả, bà con nông dân được “phá trằm”, mang chút phước lộc của Trời Đất về cho mình, để được may mắn trong năm. Gọi là “phá trằm” nhưng thực chất chỉ là việc xả nước bắt cá làm thực phẩm trong những ngày mùa, qua đó vừa cải tạo lòng hồ, vừa thay thế nguồn nước mới làm cho môi trường được đảm bảo hơn và đặc biệt hơn là duy trì lễ hội văn hoá dân gian độc đáo của địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trên địa bàn thôn, xã.

Để Lễ hội “Phá Trằm” được diễn ra trong không khí vui tươi, đoàn kết, an toàn, trước đó, Ban tổ chức Lễ hội đã có những quy định cụ thể việc đánh bắt cá như: chỉ được xuống hồ đánh bắt cá sau khi có khởi lệnh bằng hồi trống; dụng cụ bắt cá bao gồm chơm, rớ, rập, dủi và các dụng cụ thủ công khác. Tuyệt đối không sử dụng xung điện và các dụng cụ sắc, nhọn để bắt cá; các phương tiện giao thông phải để gọn gàng, đúng nơi quy định và đảm bảo an ninh trật tự chung...

 

Rất đông du khách đến tham gia Lễ hội "Phá Trằm"

Đến với Trằm Trà Lộc, du khách không chỉ tham gia Lễ hội "Phá trằm" mà còn hoà mình vào khung cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng; thưởng ngoạn, hít thở không khí trong lành, mát mẻ của “lá phổi xanh” giữa miền cát trắng, hoà quyện với hương sen, hương lúa nồng ấm tình quê. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, khu di lịch sinh thái Trằm Trà Lộc ngày càng được mở rộng, có thêm nhiều dịch vụ, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa. 

                                                                                                          Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hải Lăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay742
  • Tổng lượt truy cập4.051.431